Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi

Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi

PGS.TS.BS Phạm Hữu Nghị

I. Đặt vấn đề

Giãn mạch máu nhỏ (GMMN) là tổn thương bệnh lý giãn mạch không hồi phục của các mạch máu nhỏ ở da được Von Graf mô tả lần đầu tiên vào năm 1807. Bệnh thường lành tính và ít gây nguy hiểm song ảnh hưởng nhiều đến chức năng thẩm mỹ nhất là khi gặp ở vùng da mặt nói chung vùng mũi nói riêng, bên cạnh đó đôi khi có thể gây biến chứng chảy máu. Đã có nhiều phương pháp điều trị từ trước đến nay như đốt điện, tiêm xơ hay áp lạnh…đều gặp nhiều khó khăn.  Laser gần đây đã được áp dụng trong điều trị bệnh lý như laser Argon, laser màu với các bước sóng khác nhau và độ rộng xung khác nhau đều có cải thiện, tuy nhiên sau điều trị vẫn còn sung nề và tấy đỏ kéo dài (7-10 ngày) làm ảnh hưởng đến giao tiếp sinh hoạt cũng như lao động của người bệnh trong môi trường xã hội hiện đại. Năm 1999, Weiss cùng cộng sự lần đầu tiên áp dụng laser Nd: YAG xung dài để tăng hiệu quả điều trị với các mạch giãn có kích thước lớn và ở sâu trong da. Từ năm 2014, chúng tôi đã ứng dụng điều trị laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ da vùng mũi đạt được kết quả khả quan. Ở Việt nam, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về việc điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi bằng loại laser này, chính vì vậy chúng tôi tiến hành  nghiên cứu “đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ đầu mũi”.

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1 Đối tượng:

16 bệnh nhân có giãn mạch máu nhỏ ở da vùng mũi đến khám và điều trị từ 4/2014 đến 10/2016

– Tiêu chuẩn lựa chọn:  Bệnh nhân > 10 tuổi, có giãn mạch máu nhỏ ở da vùng mặt đơn thuần, tự phát, không có các hội chứng kết hợp, chưa điều trị gì.

Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân có giãn mạch máu nhỏ đã được điều trị bằng các phương pháp khác hoặc đi kèm các hội chứng hoặc bệnh lý toàn thân (bệnh hệ thống…) hay có viêm nhiễm tại vùng điều trị, phụ nữ mang thai và cho con bú, tiền sử chậm liền thương hoặc sẹo lồi.

2.2  Phương tiện điều trị

– Máy laser Nd: YAG

2.3 Các bước tiến hành

– Khám và đánh giá lâm sàng: Đánh giá đo đạc các tiêu chí theo phiếu điều trị mẫu và giải thích cho bệnh nhân qui trình điều trị.

– Kỹ thuật điều trị:

+ Vô cảm tại chỗ vùng điều trị .

+ Chọn thông số, đánh giá thông số điều trị ở ngưỡng hiệu ứng là mạch mất, co nhỏ hoặc đen lại mà bề mặt da bình thường.

– Chăm sóc sau điều trị: tránh nắng, bôi kem chống nắng khi ra đường

– Hẹn sau 4 tuần đến điều trị tiếp cho đến khi hết tổn thương.

– Sau 3 tháng hết tổn thương đến tái khám để đánh giá kết quả xa.

2.4 Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị

  • Tốt: tổn thương mất hoàn toàn , không có sẹo.
  • Khá: tổn thương mất hoàn toàn hoặc 1 phần, sẹo nông vẫn đảm bảo thẩm mỹ
  • Kém: Tái phát như cũ hoặc sẹo xấu co kéo hoặc sẹo lồi, phì đại
  • Xử lý số liệu: Phương pháp thống kê

III. Kết quả nghiên cứu

3.1 Đặc điểm đối tượng nghiên cứu

– Tổng số bệnh nhân: 16

– Tỉ lệ Nam: Nữ = 5: 11

– Tuổi TB= 38,3

3.2 Vị trí tổn thương

Vị trí tổn thương Số lượng
Đầu mũi 3
Cánh mũi 2
≥ 2 vị trí trên mũi 11
Tổng 16

Tổn thương giãn mạch máu nhỏ vùng mũi chủ yếu gặp ở vùng đầu mũi và cánh mũi 2 bên (11/16 trường hợp)

3.3 Kích thước mạch giãn

Kích thước Số lượng
< 0,5mm 12
≥ 0,5mm 4
Tổng 16

Kích thước mạch giãn thường <0,5mm (12/16 trường hợp)

3.4 Màu sắc mạch giãn

Màu sắc Số lượng
Tím xanh 4
Tím đỏ 12
Tổng 16

Mạch giãn nhỏ thường có màu tím đỏ (12/16)

3.5 Số lần điều trị

Số lần điều trị KQ tốt- khá KQ kém
<3 lần 9 4
≥ 3 lần 2 1
Tổng 11 5

Đa số các trường hợp có đáp ứng tốt <3 lần điều trị đã đạt kết quả tốt, tổn thương mất hoàn toàn; Tuy nhiên, một số bệnh nhân ở xa và không sắp xếp được thời gian đã bỏ dở điều trị (5/16 bệnh nhân).

3.7 Kết quả chung

Kết quả điều trị Số lượng
Tốt 9
Khá 2
Kém 5

Tỉ lệ đạt kết quả tốt- khá chiếm 11/16 trường hợp, 5 trường hợp kết quả kém là do cả 5 bệnh nhân đều bỏ điều trị sau 1-2 lần điều trị.

3.8 Tỉ lệ biến chứng

Biến chứng Số lượng
Sẹo xấu 0
Rối loạn sắc tố da 0
Tổng 0

Trong lô nghiên cứu của chúng tôi không gặp trường hợp hợp nào để lại sẹo xấu hoặc rối loạn sắc tố.

IV. Bàn luận

Giãn mạch máu nhỏ vùng mũi thường gây ảnh hưởng thẩm mỹ đến tâm lý bệnh nhân. Trong nhóm 16 bệnh nhân có GMMN vùng mũi được điều trị tại khoa Y học thực nghiệm – bệnh viện 108, có tuổi trung bình là 38,3 tuổi và nữ gặp nhiều hơn nam do nữ quan tâm đến thẩm mỹ vùng mặt nhiều hơn nam giới. Kết quả này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới.

Các mạch máu giãn vùng mũi có đường kính < 0,5mm chiếm đa số (12/16 trường hợp) và có màu đỏ tía còn 4/16 trường hợp có đường kính mạch lớn (>0,5mm) thì có màu xanh tím. Các mạch giãn chủ yếu hình cành cây hoặc các vết, tia… Vị trí hay gặp là đầu mũi kết hợp cánh mũi (11/16 trường hợp) làm cho vùng mũi đỏ nhiều, bệnh nhân thường phàn nàn về tình trạng đỏ mũi đặc biệt người bệnh tăng xúc cảm hay liên quan đến thời tiết (nóng thì đỏ hơn, lạnh thì chuyển sang màu tím). Với những bệnh nhân bị trứng cá đỏ vùng đầu mũi sẽ gây giãn mạch mãn tính và thành mạch bị phá hủy càng làm cho hệ mạch giãn dễ bị ảnh hưởng nặng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng do mô liên kết nâng đỡ và tổ chức elastin bị thay đổi. Mũi là phần nhô nhất của khuôn mặt, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nhiều làm cho tình trạng giãn mạch máu nhỏ càng nặng và mạch giãn ở vùng mũi thường lớn hơn ở các vùng khác trên mặt

Việc điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mặt bằng các loại ánh sáng khác nhau đều có những nhược điểm nhất định. Như laser màu (Pulsed dye laser- PDL) là lựa chọn được nhiều tác giả áp dụng. Tuy nhiên theo West và Alster thì PDL chỉ có tác dụng với mạch giãn ở nông, gây ra sưng nề và tấy đỏ kéo dài  sau điều trị gây bất tiện cho bệnh nhân khi giao tiếp. Jasim cùng cộng sự đã cải tiến sử dụng PDL xung dài thì không thấy hiện tượng nề đỏ sau điều trị tuy nhiên lại kém hiệu quả so với các loại laser có độ rộng xung ngắn hơn. Cũng như PDL, KTP  laser  và ánh sáng xung cường độ lớn ( Intense pulsed light) đều gây sưng nề, tấy đỏ sau điều trị…hơn thế, ánh sáng KTP còn bị melanin hấp thụ cạnh tranh nên gây ra tình trạng tăng sắc tố sau điều trị.

Năm 1999, Weiss cùng cộng sự lần đầu tiên áp dụng laser Nd: YAG xung dài để tăng hiệu quả điều trị với các mạch giãn có kích thước lớn và ở sâu trong da cho hầu hết các loại màu da

Nhiều tác giả đã nghiên cứu sử dụng laser Nd:YAG với độ dài xung khác nhau trong điều trị giãn mạch máu vùng mặt như Avery A. Bevin cùng cộng sự thì thấy rằng với độ rộng xung và năng lượng khác nhau sẽ cho ra kết quả khác. Chúng tôi đã quyết định lựa chọn kích thước điểm, độ rộng xung phù hợp do vậy giảm đau cho bệnh nhân mà vẫn đạt hiệu quả điều trị.

Mỗi lần điều trị cách nhau 1 tháng, sau lần điều trị cuối cùng 3 tháng chúng tôi sẽ kiểm tra đánh giá kết quả điều trị.Với qui trình điều trị như trên chúng tôi đã thu được kết quả tốt với tổn thương mất hoàn toàn là 9/16 trường hợp (56,25%) với số lần điều trị dưới 3 lần ; 2/16 (12,5%) ca đạt kết quả khá là tổn thương giảm 60%. Trong đó, có 01 ca mới điều trị lần thứ 2 kết quả mất tổn thương 1 phần nhưng do ở xa nên không tiếp tục theo điều trị để đạt kết quả tối ưu. Đặc biệt có 4/5 bệnh nhân đạt kết quả kém do bỏ dở quá trình điều trị sau 1-2 lần điều trị. Nguyên nhân của việc bỏ dở điều trị là do quá trình thăm khám và giải thích qui trình điều trị không rõ ràng và đầy đủ nên bệnh nhân quá kỳ vọng vào phương pháp điều trị. Do vậy, tỉ lệ đạt kết quả kém khi sử dụng laser Nd: YAG không có ý nghĩa cao. Đây cũng chính là một trong những nhược điểm của phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị chúng tôi chưa gặp ca nào có biến chứng như sẹo nơi điều trị, thay đổi độ đàn hồi của da hay tình trạng rối loạn sắc tố tại nơi điều trị (tăng hoặc giảm sắc tố). Nguyên nhân chúng tôi không gặp tai biến nào nơi điều trị là do chúng tôi tuân thủ đúng qui trình là tìm hiệu ứng điều trị , kết hợp thêm chế độ làm lạnh thông minh (Intelegent cool divice- ICD) của hệ thống máy Nd: YAG đã làm nhiệm vụ bảo vệ lớp thượng bì không bị tổn thương.

V. Kết luận:

Điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi bằng laser Nd: YAG xung dài là một trong những phương pháp hiệu quả (kết quả tốt- khá 68,75%) và an toàn (tỉ lệ tai biến 0%). Tuy nhiên, số lần điều trị kéo dài cũng là một trong những nhược điểm của phương pháp này.

VI. Một số hình ảnh minh họa

– BN NG. Q. C (SN 1990): GMMN vùng đầu mũi do trứng cá đỏ

A – Trước điều trị B – 3 tháng sau điều trị lần 2
Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 1 Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 2

 

Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 3 Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 4

 

Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 5 Đánh giá hiệu quả ứng dụng laser Nd: YAG xung dài trong điều trị giãn mạch máu nhỏ vùng mũi 6
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Đăng kí tham gia
“Hồi sinh làn da sau mùa dịch”

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
TỪ BÁC SĨ